Tâm lý giao dịch – Kỷ Luật và Không tuân thủ quy tắc giao dịch

Tâm lý giao dịch
Trang chủ » Blog » Tâm lý giao dịch » Tâm lý giao dịch – Kỷ Luật và Không tuân thủ quy tắc giao dịch

Tôi nghĩ đây là một chủ đề khó, và rất dễ buồn ngủ khi đọc về nó. Đa phần mọi người sẽ thích về phân tích biểu đồ và tìm các cơ hội kiếm khoản lợi nhuận hơn. Nhưng trong giao dịch, trading thì phân tích kỹ thuật là một phần quan trọng, nhưng không phải tất cả.

giao dịch không kỷ luật

Hãy tưởng tượng xem, bạn có 1 phương pháp giao dịch rất tốt. Nhưng bạn vẫn không kiếm được tiền từ giao dịch, do bạn thường xuyên không tuân thủ các nguyên tắc của mình.

Tôi nghĩ đã là một trader thì ai cũng mắc phải lỗi này. Và chúng ta thường hay đổ lỗi do thị trường không đi đúng theo kỳ vọng. Hoặc một vài nhà giao dịch sẽ đổ lỗi cho bản thân quá nóng vội. Chúng ta luôn biết trader thì phải kỷ luật, nhưng làm sao để thực hiện thì vô cùng khó.

Tôi nghĩ mỗi trader sẽ có 1 lý do để biện minh cho những quyết định nóng vội của mình. Chúng ta sẽ không đi vào việc phê phán, mà chúng ta nhìn ở góc độ sâu xa hơn để cải thiện kết quả giao dịch.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRADER KHÔNG KỶ LUẬT

Do thị trường? Tất nhiên là không, rất dễ để chúng ta đổ lỗi cho thị trường. Thị trường là tập hợp của vô số các trader, nhà đầu tư, tổ chức và ngân hàng… Và giá thì di chuyển dựa theo quyết định của những người tham gia thị trường. Do đó, bạn và tôi không thể biết được giá sẽ đi về đâu. Đây là một sự thật mà tôi mất nhiều thời gian để thuyết phục bản thân mình tin vào nó.

Bạn không tin ư? Tôi sẽ lấy một ví dụ: Bạn biết chơi trò búa, giấy, kéo chứ! Việc của bạn là đoán xem người đối diện ra búa hay ra kéo. Bạn rất khó đọc được suy nghĩ của người khác. Hoặc người ta nói cho bạn, nhưng chưa chắc đã hành động như vậy. Đó là góc độ của 1 cá nhân, còn góc độ của thị trường là vô số các trader. Mỗi trader có một quyết định mua hay bán, và để đọc hết suy nghĩ của tất cả mọi người thì là không thể.

Nếu không phải do thị trường thì có phải do bạn không kỷ luật hay không? Tôi nghĩ là không! Cá nhân tôi nghĩ là do bạn chưa hiểu hết về phương pháp giao dịch của mình. Bạn chưa biết được lợi thế của mình ở đâu khi tham gia giao dịch. Và nếu như bạn hiểu và biết về lợi thế của mình thì bạn có tin tưởng vào phương pháp đó hay không?

TIN TƯỞNG PHƯƠNG PHÁP GIAO DỊCH

Điều tôi chia sẻ sau thực sự rất quan trọng, vì nó là phần cốt lõi của tâm lý giao dịch. Ý tôi ở đây là bạn có thực sự tin tưởng vào phương pháp giao dịch của mình. Bạn tin rằng, về dài hạn thì bạn sẽ có lợi nhuận. Đồng thời bạn cũng phải tin rằng, bạn không biết lệnh giao dịch này là thắng hay là thua.

Tại sao lại thế? Vì như trên tôi giải thích, chúng ta không biết được chắc chắn thị trường sẽ đi về đâu. Nhưng phương pháp giao dịch cho chúng ta một vị trí mà xác suất chúng ta chiến thắng cao hơn. Điều đó nghĩa là bạn KHÔNG CHẮC CHẮN THẮNG TRONG BẤT KỲ 1 GIAO DỊCH NÀO.

Lúc này sẽ xảy ra mâu thuẫn trong bạn, đó là bạn kỳ vọng lệnh giao dịch này kiếm được tiền. Và một suy nghĩ là giao dịch này không chắc thắng, nhưng 1 chuỗi giao dịch tốt sẽ mang lại lợi nhuận cho bạn.

Tôi lại liên tưởng tới hình ảnh trong đầu bạn xuất hiện thiên thần và ác quỷ đấu tranh với nhau. Và niềm tin nào trong bạn chiến thắng, bạn sẽ hành động theo nó.

Đa phần tất cả các trader đều kỳ vọng là lệnh đang giao dịch sẽ chiến thắng. Khi kỳ vọng không đạt thực tế, chúng ta sẽ thất vọng, buồn bã, tức giận. Và khi chúng ta tức giận, chúng ta thường hành động để xả sự bực bội của mình ra ngoài. Đó là cơ chế hoạt động của tâm trí chúng ta, nó là điều rất bình thường.

Hi vọng và cầu nguyện không giúp bạn thành công với giao dịch

Vậy khi giá chạy ngược với kỳ vọng của bạn, bạn sẽ cảm thấy tức giận thị trường. Do vậy, bạn sẽ hành động theo phản xạ để lấp đầy sự kỳ vọng không được đáp ứng đó. Và đối tượng của chúng ta là thị trường chứ không phải ai khác. Nên về logic thì trader sẽ kéo stoploss xa hơn để không bị mất tiền, điều này nhìn chung có vẻ khá hợp lý. Một số trader khác thì vào lệnh điên cuồng, mới trước đây vài phút họ còn rất thận trọng. Một vài nhà giao dịch thì không chịu được và thoát lệnh ngay lập tức.

ĐIỀU GÌ KHÁC BIỆT GIỮA TRADER CHUYÊN NGHIỆP VÀ NGHIỆP DƯ

Tất cả những quy tắc, những phương pháp mà chúng ta đã học đã nghiên cứu gần như không tồn tại trong khoảnh khắc này. Và bạn trở nên mất kỷ luật.

Tôi nghĩ điều khác biệt nhất giữa trader có lợi nhuận và những trader thua lỗ nằm ở tâm lý giao dịch. Và cụ thể hơn là cách họ chấp nhận thua lỗ. Bản thân tất cả các trader đều sẽ phải trải qua việc thua lỗ, bỏ lỡ cơ hội, chốt lời quá sớm… Nhưng khi ở trong trường hợp đó thì tâm lý của trader chuyên nghiệp hoàn toàn khác những người còn lại. Đó là họ coi thua lỗ là 1 phần chi phí giao dịch và tin rằng không phải lệnh nào họ cũng thắng.

Họ đơn giản là tìm các điểm lợi thế, vào lệnh và đặt rủi ro có thể chấp nhận được. Sau đó, nếu giao dịch đó thua lỗ, điều họ làm tiếp theo là tìm các điểm lợi thế khác. Chỉ vậy thôi, họ không kỳ vọng lệnh giao dịch này thắng hay thua. Họ tin rằng sau 1 chuỗi giao dịch với các điểm lợi thế của mình thì họ sẽ chiến thắng.

ĐÔI LỜI CHIA SẺ VỀ GIAO DỊCH

Nói thực sự rất dễ, nhưng để thực hiện được thì vô cùng khó. Bởi vì những điều trên nằm sâu trong tâm trí và tiềm thức của chúng ta. Ví dụ: bạn sợ rắn, nhưng bạn lại được học cách phân biệt con rắn nào có độc con nào không. Nếu có 1 con rắn ở trước mặt bạn và bạn biết và tin là nó không có độc. Vậy bạn có dám lại gần không? Cũng như giao dịch, bạn trải qua 1 chuỗi thua lỗ nhưng bạn tin là phương pháp giao dịch có lợi nhuận. Vậy bạn có dám thực hiện giao dịch tiếp theo không?

Trong lúc viết bài này, tôi vừa trải qua 1 lệnh thua lỗ. Là nói dối nếu như tôi nói tôi không cảm thấy hụt hẫng, tức giận. Tôi cũng là con người, nhưng cảm giác đó không đủ lớn để xâm chiếm tâm trí tôi và buộc tôi phải ra các quyết định vào lệnh. Tôi đang cải thiện tâm lý giao dịch của mình hàng ngày. Hi vọng, bạn cũng có được 1 góc nhìn khác về công việc giao dịch và trading.

Phạm Xuân Định

Phương pháp nào cũng có lời, ít hay nhiều do tâm lý! Tham gia nhóm để nhận được nhiều thông tin và tài liệu Telegram: https://t.me/banktrapscom

Leave a Comment